Rượu mini hay rượu mẫu là cách gọi tên của những chai rượu có thể tích phổ biến nhất là 50 ml. Đối với những người chưa bao giờ nghe nói về rượu mini thì khó hình dung được nó to nhỏ như thế nào. Nó chỉ bằng hai hoặc ba ngón tay chụm lại mà thôi. Nguồn gốc hay lý do để những lò rượu trên thế giới đóng những chai nhỏ như thế này để làm gì? Tiếng Hoa gọi những chai rượu này là rượu mẫu do dịch bắc cầu sát nghĩa từ hai chữ “sample liquor”, tức là làm rượu mẫu để chào hàng cho các đối tác. Rượu chưng cất và ủ công phu cả chục năm mà đem đi biếu làm mẫu chai 750ml hoặc 1 lít thì chỉ có nước phá sản sớm. Vì thế làm biếu những chai rượu nhỏ xem ra kinh tế hơn. Nếu ai có dịp vào nghỉ trong những khách sạn hạng sang sẽ thấy một cái kệ nằm gần cái tủ lạnh để nhiều chai rượu nhỏ, bánh snack, nước ngọt và bia. Từ chuyên môn trong giới nhà hàng khách sạn gọi là “mini bar” và dĩ nhiên cũng gọi mấy chai rượu nhỏ đó là rượu mini vì rất phù hợp trong ngữ cảnh này. Đây có lẽ là mục đích thứ hai của việc đóng ra mấy chai bé tẹo này. Khách nghỉ trong phòng lười đi xuống quầy bar dưới sảnh của khách sạn, có thể ngồi ngay trong phòng khui một chai nhỏ nhâm nhi với vài gói snack có sẳn ở cái mini bar và vừa xem tivi cũng hết một buổi tối.
Nhà nào dù to hay nhỏ thì cũng phải có cái phòng khách. Phòng khách nào mà lại không có cái tủ búp-phê (mượn từ tiếng Pháp bud-café cabinet). Từ khi xuất hiện những chai rượu nhỏ này, rất nhiều người thích làm đẹp phòng khách của mình bằng cách trưng bày một vài chai rượu lớn hoặc nhỏ trong cái tủ búp-phê của mình. Khi được hỏi tại sao lại thích trưng bày rượu mẫu như thế, đa số đều trả lời rằng thấy thích kiểu dáng và thấy nó sang trọng. Khi suy nghĩ như vậy và hành động như vậy, vô hình chung các bạn đã bước đầu trở thành nhà sưu tập nghiệp dư mà không hay. Còn đối với những người lỡ đam mê quá mức trước những kiểu dáng đẹp sang trọng hay dễ thương của chai rượu mẫu, hoặc lỡ đam mê màu sắc huyền bí của chất sóng sánh trong chai rượu đến nỗi mất ăn mất ngủ quyết đi sưu tầm cho bằng được những chai mình thích thì lúc đó đã trở thành những tay sưu tầm rượu mẫu chuyên nghiệp rồi.
Nguồn rượu mẫu để sưu tầm tuy rất phong phú về chủng loại và số lượng ở trên thế giới nhưng lại rất bó hẹp ở tại Việt Nam do tính chất đặc thù của xã hội và hệ thống thuế đánh trên rượu. Rượu mẫu ở Việt Nam chủ yếu từ nguồn của các cửa hàng miễn thuế tại sân bay đưa ra hoặc Việt Kiều xách tay mang về trong những lần về nước thăm thân nhân. Thỉnh thoảng một số hãng rượu có văn phòng chính thức tại Việt Nam tung ra những đợt khuyến mãi tặng rượu mẫu cho các đại lý. Các đại lý này lại trưng lên tủ bán lại cho mấy tay sưu tập. Thế nhưng dựa vào các nguồn này thì một tay sưu tập chuyên nghiệp sẽ không thể nào hoàn thiện hay chí ít làm phong phú thêm cho bộ sưu tập của mình. Vì thế những tay chơi chuyên nghiệp phải tự thân vận động liên hệ làm quen với những người bạn cùng sở thích ở khắp nơi và cả trên toàn thế giới. Được tiếp sức bởi công nghệ internet, ngày nay các tay chơi dễ dàng tiếp xúc, làm quen, trao đổi và mua bán online.
Hầu hết những người sưu tập khi chập chững bước đầu sưu tập thường có tâm lý muốn sưu tập càng nhiều chai càng tốt. Vào bất cứ cửa hàng nào mà thấy những chai mình chưa có là muốn mua ngay với ý định gom cho chật tủ và để xem cho đã mắt. Dần dần họ nhận ra “võ học là vô biên”. Số lượng lò rượu còn như đếm sao trên trời thì số chủng loại rượu làm sao đếm được. Vì thế dần dà mới hình thành nên “môn phái”. Phân chia “môn phái” dựa trên các tiêu chí như: nguồn gốc nguyên liệu dùng để sản xuất rượu, phương thức ủ rượu, vật liệu đóng chai, nguồn gốc nước xuất xứ…Sau đây là một vài “môn phái” sưu tập rượu mẫu.
Sưu tầm rượu theo nguồn gốc của nguyên liệu và phương thức ủ rượu:
Rượu được lên men từ trái cây (nho, táo…) sau đó được chưng cất và ủ lâu năm trong những thùng gỗ sồi có tên chung là BRANDY. Rượu được lên men từ malt và ngũ cốc sau đó được chưng cất và ủ trong các thùng gỗ sồi gọi là WHISKY. Whisky làm từ nước Xcốt-len thì được gọi là Scotch Whisky để phân biệt với whiskey của Mỹ và whisky của Nhật. Rượu được lên men từ khoai tây, mía (chất đường-bột) sau đó được chưng cất nhiều lần và đóng chai để bán gọi là VODKA – loại tương tự như rượu đế của Việt Nam. Rượu được lên men từ một loại cây Agave ở Bắc Mỹ làm ra loại rượu nổi tiếng TEQUILA. Ngoài ra còn có rượu được pha ủ với một số thảo dược, trái cây, gia vị để dùng tăng cường tiêu hóa hoặc làm ngon miệng mà giới sưu tập gọi là “RƯỢU MÙI” và từ chuyên môn gọi là LIQUEUR. Đây cũng là các nhóm rượu được các tay sưu tầm rượu mới vào nghề mua nhiều nhất vì dễ tìm, phong phú về kiểu dáng và màu sắc, quan trọng nhất là giá cả phải chăng vừa với túi tiền người chơi.
Sưu tầm rượu theo nước xuất xứ:
Chắc có lẽ những tay sưu tập loại này có may mắn được đi nhiều nước trên thế giới hoặc có mối quan hệ bạn bè rộng rãi khắp trên thế giới. Họ không cần quan tâm đến có sưu tầm đủ tất cả các loại rượu của một hãng nào đó hay không mà chỉ cần có một vài chai rượu mini của nước đó là thỏa mãn rồi. Tôi cũng có dịp vào xem một trang web của một tay sưu tập ở Colombia thu thập được khoảng 5,500 chai của trên 205 quốc gia, vùng và lãnh thổ. Một thành quả thật đáng nể.
Sưu tầm theo chất liệu của vỏ chai:
Theo đà tiến bộ của ngành sản xuất chất liệu bao bì, ngoài vật liệu thủy tinh phổ biến còn có gốm sứ, kim loại và pha lê. Có tay sưu tập chỉ chuyên sâu vào các chai gốm sứ. Khi chuyên sâu vào loại này rồi thì đôi khi tên tuổi của hãng rượu không còn quan trọng bằng tên tuổi của hãng làm ra các chai gốm sứ đó. Đây có lẽ là những đại gia lắm tiền nhiều của vì giá của các chai này thường mắc gấp vài chục đến vài trăm lần so với các chai thủy tinh bình thường. Trên thế giới có các hãng sản xuất chai gốm sứ (không phải là hãng rượu) trở thành thương hiệu nổi tiếng và được các tay sưu tập săn lung ráo riết.
Sưu tầm các chai rượu có hình dạng đặc biệt (figural bottle):
Tôi có dịp may làm quen với một tay chơi chuyên sưu tập loại chai thủy tinh thổi thủ công ra các hình thù kỳ lạ như con thú, đồ vật, hình người…sau đó được đổ rượu vào và seal lại. Người sưu tập theo hệ trường phái này có lẽ là người am hiểu lịch sử và địa lý của các quốc gia trên thế giới bởi vì đa số các hình thù đặc biệt của chai rượu đều dựa trên các nhân vật anh hùng dân tộc, vĩ nhân, tôn giáo, các tượng đài, biểu tượng quốc gia…Vừa chơi vừa mở mang kiến thức địa lý và lịch sử thì còn gì bằng.
Sưu tầm theo hãng rượu:
Được biết có người lại say mê duy nhất 1 thương hiệu rượu nổi tiếng nào đó trên thế giới đến nỗi phải theo chân thương hiệu rượu này trên khắp thế giới và tìm tòi sưu tập những chai rượu do hãng này tung ra ở từng quốc gia. Có một tay sưu tập ở Mỹ nhờ tôi tìm mua giúp chai rượu mini Jack Daniel’s ở Việt Nam với lời dặn rằng phải có cái gì đó chứng minh rằng nó được mua ở Việt Nam, ví dụ như cái nhãn phụ tiếng Việt ở bên hông chai hay cái tem nhập khẩu của Việt Nam trên nắp chai chẳng hạn. Còn một anh bạn khác cũng ở Mỹ thì lại nhờ xem có thể mua được phiên bản chai vodka Absolut nào được chính hãng tung ra ở thị trường Việt Nam không.
Còn rất nhiều và rất nhiều hệ chi phái trong thú sưu tầm rượu mini. Nghề chơi cũng lắm công phu. Càng dấn thân sâu mới thấy được sự vô biên của nó. Dù cho có kiến thức uyên thâm đến dường nào và dù cho tiền bạc có “nhiều như quân Nguyên” đi chăng nữa cũng không thể gom cả giang san về một mối cũng như không thể gom được hết rượu mình thích vào trong tủ của mình. Có một người sưu tập rượu mini trên 40 năm đưa ra một lời khuyên rất chí lý: “Bạn cần phải định hướng cho mình sớm chừng nào tốt chừng đó rằng bạn nên chuyên sâu sưu tập vào một loại nào” Võ học thì vô biên, hiểu biết thì có hạn. Tập trung tu luyện chuyên sâu vào một hệ chi phái nào đó để luyện ra “tuyệt kỷ công phu” rồi ra khoe với chúng bạn là điều nên làm. Làm sao để mà giới sưu tập khi nhắc đến nhãn hiệu rượu nào đó, hay nhóm rượu nào đó thì phải nhắc đến tên của bạn. Khi đó bạn đã đạt đến độ cảnh giới cao rồi đó.
Nói đến những hệ chi phái nổi tiếng như cồn và được các nhà sưu tập săn lùng thì phải nói đến cái tên “COGNAC”. Đây được xem như môn phái Thiếu Lâm danh trấn thiên hạ. Cognac thuộc nhóm rượu BRANDY như đã nói ở trên vì nó được lên men từ nho. Vì rượu có xuất xứ từ tỉnh Cognac của nước Pháp nên có tên gọi là rượu Cognac. Nước Pháp đã nhanh chân đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu COGNAC trên toàn cầu. Chỉ có rượu brandy làm từ nho trồng ở tại tỉnh Cognac thuộc nước Pháp mới được in trên nhãn là rượu Cognac. Chỉ cần được in chữ Cognac trên nhãn thôi, thì chai rượu đó có quyền đươc bán giá cao hơn các loại rượu brandy khác rồi. Nhằm để giữ vững tiếng tăm của thương hiệu vô giá này, một hội đồng đánh giá rượu bao gồm toàn các tay chuyên gia nếm rượu hàng đầu của Pháp được thành lập để chứng nhận cho những loại rượu đạt chuẩn được dán mác “COGNAC” danh giá lên chai rượu của mình. Chính hội đồng này cũng là nơi đặt ra tiêu chí phân hạng rượu cognac theo số năm ủ rượu (tuổi rượu) đó là:
V.S (trước đây là 3 sao) viết tắt từ các chữ Very Special: loại này có độ tuổi ủ rượu tối thiểu 2 năm trong thùng gỗ sồi trước khi được phép xuất khẩu.
V.S.O.P viết tắt từ các chữ Very Special Old Pale: loại này có độ tuổi ủ rượu tối thiểu 4 năm trong thùng gỗ sồi trước khi được phép xuất khẩu.
X.O viết tắt từ chữ Extra Old: loại này có độ tuổi ủ rượu tối thiểu 6 năm trong thùng gỗ sồi trước khi được phép xuất khẩu. Thế nhưng đa số lò rượu đều dùng rượu có độ tuổi trung bình trên 20 năm.
Napoleon: tên này không liên quan gì đến ông hoàng đế Napoleon. Mặc dù được hội đồng xếp cùng hạng với X.O thế nhưng các lò rượu dùng hạng rượu này để giới thiệu loại có chất lượng nằm giữa V.S.O.P và X.O
Ngoài ra còn có nhiều hạng rượu không chính thức khác như là:
Vieux: giống Napoleon, hạng rượu nằm giữa V.S.O.P và X.O
Extra: hạng rượu cao hơn X.O
Vieille Reserve hạng rượu cao hơn X.O
Hors d’age (Beyond age) được xếp ngang với X.O
Tuy nhiên một hãng rượu không bao giờ sản xuất ra tất cả các hạng rượu như kể trên. Thông thường các hãng rượu đều sản xuất ra 4 hạng rượu thông dụng (V.S, V.S.O.P, Napoleon, X.O) và một hạng rượu đặc biệt tuyệt chiêu nào đó đem ra khoe với thiên hạ. Hennessy thì có Richard và Paradis. Martell thì có L’or, Remy Martin thì có Louis XIII, Courvoisier thì có L’Esprit de Courvoisier… (click vào đây để hiểu thêm về rượu Cognac)
Nói dông dài tí xíu về rượu Cognac chỉ để cho thấy giá trị của cái chất lỏng màu vàng hổ phách phản ánh số năm mà nó phải nằm lại trong thùng gỗ sồi trước khi xuất xưởng. Hình dáng chai rượu được chăm chút thiết kế rất công phu. Ngoài ra lịch sử lâu đời cộng với nhiều hạng rượu được sản xuất ra từ cổ chí kim là nguồn cảm hứng vô tận cho các tay sưu tập. Họ chạy theo cho đến khi sức tàn lực kiệt, túi tiền hết nhẵn mà vẫn chưa biết thế nào là đủ. Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ… Đó mới là cái hay của môn phái sưu tầm rượu mini Cognac.
Các tay sưu tập truy tìm tất cả các hạng rượu của cùng một hãng rượu sản xuất ra để “ráp bộ”. Nghịch lý một điều rằng những chai có hạng rượu cao cấp tức là cái chất lỏng bên trong rất quý hiếm thì lại dễ tìm mặc dù giá cao vì hãng thường sản xuất ra nhiều để giới thiệu hàng, còn chai rượu hạng thường như loại V.S thì lại khó kiếm cực kỳ. Điều này cũng dễ hiểu thôi; ai lại đi đóng chai mini giới thiệu mấy chai chất lượng thấp đó làm chi. Khái niệm “cùng một bộ” là cùng một hãng sản xuất. Cái làm nên sự phong phú của một bộ sưu tập dựa trên sự khác nhau của các tiêu chí: hạng rượu, thị trường xuất khẩu (mỗi nước nhập khẩu có quy định viết nhãn khác nhau, tên nhà nhập khẩu…), đời rượu (năm sản xuất). Nói chung cứ thấy khác nhau mà cùng một hãng sản xuất thì cứ thoải mái ráp bộ. Mỗi lần có thêm được một chai đưa vào bộ sưu tập của mình thì cảm giác lấy làm sung sướng vô cùng. Cứ như thế dân số của bộ sưu tập đó cứ mỗi ngày một đông đúc hơn. Đến một lúc nào đó “gần như” đầy đủ thì việc tìm ra một chai mới là khó khăn vô cùng. Giới sưu tập gọi là đã đến lúc “đứng phim” hoặc “đứng hình”.
Một giới hạn cho thú sưu tập rượu mẫu mà ai cũng sẽ sớm nhận ra một khi số lượng chai rượu tăng dần lên đó là khoảng không gian trưng bày bộ sưu tập của mình. Tôi có đọc một loạt các cuộc phỏng vấn những tay sưu tầm rượu lâu năm. Câu hỏi đặt ra: “bạn gặp trở ngại gì khi theo đuổi thú sưu tập rượu mini này?” 100% câu trả lời đó là khoảng không gian trưng bày. Có người còn tuyên bố “space is number one enemy of all collectors” (khoảng không trưng bày là kẻ thù số một của các tay sưu tập”. Thật thế! Tất cả khoảng không gian trong nhà đều được tận dụng để làm kệ trưng bày như là 4 bức tường của căn phòng, dọc theo đường đi lên cầu thang cũng bị tận dụng, phòng khách, phòng ngủ… Cuối cùng không còn chỗ thì phải cho vào thùng carton cất tạm trong khi tìm thêm chỗ mới. Lại nói thêm về cuộc phỏng vấn trên. Khi được hỏi họ có ước muốn (wish) gì cho bộ sưu tập hiện tại của bạn. Tất cả đều có cùng câu trả lời theo kiểu quay về điểm xuất phát rằng họ muốn có thêm chỗ để trưng bày!!!